Một vài trường hợp khóc ra nước mắt của chủ nhà tự biến tấu nhà theo ý mình….
Hồi ở Việt Nam, mình có nhớ mấy trường hợp tự ý sửa thiết kế của Kiến trúc sư vì thiếu hiểu biết, dẫn tới lãnh hậu quả. Chia sẻ ra đây để cả nhà đọc mà TRÁNH !
1. NGUYỄN HOÀNG NAM – Tự ý sửa chiều cao tầng làm cả nhà nhức hết đầu gối!
Năm 2017, khách hàng tên Nam (quận Cầu Giấy, Hà Nội) dự định xây ngôi nhà 5 tầng trên mặt bằng 50 m2 có thuê bên công ty mình thiết kế kiến trúc, xong xuôi hết mới cho khởi công xây dựng.
Trong quá trình xây, anh Nam băn khoăn về chiều cao 3,1m của mỗi tầng, sợ rằng trần hơi thấp nên anh trao đổi với bên nhà thầu – là một bên khác bên mình. Bên thi công tư vấn cho anh nâng thêm 30 cm mỗi tầng, anh đồng ý. Tuy nhiên, cầu thang lại giữ nguyên theo thiết kế nên mỗi bậc cao thêm gần 2 cm. Tưởng như đã rất đẹp rồi, nhưng đến khi vào ở thì người trong nhà mới phát hiện ra: việc lên xuống cầu thang cực kỳ mỏi chân và bất tiện!
Tới lúc đó, anh Nam ân hận vì đã nghe lời tư vấn của nhà thầu mà không hỏi kiến trúc sư bên mình.
Phân tích: Do nhà của anh Nam nhỏ nên chiều cao mỗi tầng vừa phải để tránh tốn diện tích cho cầu thang, vì trần càng cao thì càng phải tăng nhiều bậc, chiếm thêm chỗ trên mặt bằng. Còn nếu chủ nhà giữ nguyên số bậc thì độ cao của bậc sẽ tăng lên!
2. ANH LÊ THÁI HÒA – Tự nới cửa cao hơn không hỏi ai xong phải đập đi làm lại!
Anh Hòa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tự ý sửa nhà trong ngõ khi đã có đầy đủ hồ sơ kỹ thuật. Trong lúc làm, anh thấy cửa phòng ngủ ra ban công hơi nhỏ nên quyết định nới rộng và cao hơn, không cần tư vấn của ai. Anh trực tiếp bảo thợ xây làm theo ý mình. Ngôi nhà đúng tiến độ cho tới lúc hoàn thiện, hầu như không gặp trắc trở gì.
Chỉ đến khi mọi việc gần xong, thợ đến lắp điều hòa thì mới xảy ra rắc rối. Theo thiết kế ban đầu, điều hòa sẽ được bố trí ở khoảng tường trên cửa ra ban công. Dây, ống đã được lắp đặt sẵn sàng. Đây là vị trí thuận tiện nhất vì điều hòa sẽ chiếu vào trung tâm phòng, không có đồ dùng bên dưới, dễ bảo dưỡng, sửa chữa, gần với cục nóng nằm ngoài ban công.
Tuy nhiên, do cửa được nâng cao, nên khoảng tường bên trên cửa tới trần rộng chưa tới 30 cm nên không bố trí được điều hòa như thiết kế. Anh Hòa đành phải di chuyển cục lạnh tới chỗ khác thuận tiện hơn, đục lại tường để đi dây và ống. Hậu quả không quá lớn vì vẫn có thể sửa chữa được nhưng cũng khiến chủ nhà bực bội do chính lỗi của mình.
3. ANH TRẦN VĂN TUẤN – Cái tội nghe theo thầy phong thủy làm cho xấu hết cái mặt tiền!
Chỉ vì nghe theo lời thầy phong thủy, anh Tuấn ở Hải Dương cũng phải sửa chữa nhà ngay khi vừa làm xong. Kiến trúc sư bố trí hai ống thoát nước mái ở cả đằng trước và sau nhà. Tuy nhiên, thầy phong thủy nói không nên để ống thoát ở mặt tiền nên anh Tuấn chỉ giữ lại đường thoát phía sau.
Trên thực tế, hệ thống ống trước nhà không chỉ giúp thoát sàn mà còn là chỗ hứng nước ở ban công, điều hòa. Bởi vậy, khi lắp điều hòa, anh Tuấn lại phải kéo ống tạm bợ xấu xí ở mặt tiền.
Lời bình: Khi thiết kế, các kiến trúc sư đã tính toán mọi vấn đề ràng buộc lẫn nhau, giữa công năng và thẩm mỹ, giữa kiến trúc, nội thất và kỹ thuật. Vì vậy, chủ nhà không nên tùy tiện sửa bản vẽ vì việc xây nhà liên quan đến nhiều yếu tố mà người không có chuyên môn không lường trước được. Nếu muốn thay đổi, gia chủ nhất thiết phải hỏi ý kiến của kiến trúc sư để đưa ra giải pháp phù hợp.
Như nhà anh Nam – người đã tự ý nâng độ cao tầng – ngoài vấn đề kiến trúc, chiếc cầu thang còn liên quan tới nhân trắc học. Theo đó, trong nhà ở gia đình, chiều cao bậc cho phép dao động trong khoảng 16 – 18,5 cm. Nếu bậc cao hơn, việc đi lại sẽ rất mỏi chân, còn nếu thấp hơn, gia chủ sẽ bị hẫng chân. Những vấn đề khác cũng tương tự, có những kích thước, số liệu mang tính tiêu chuẩn mà việc thi công phải tuân thủ.